The Hobbit – Hành trình vô định hay hành trình trở về nhà

0

Được xem bộ phim ngay trong ngày ra mắt, nhưng tận hôm nay mới có thời gian viết lại cảm xúc của mình.

Đây là bộ phim đầu tiên trên thế giới áp dụng chuẩn 48 hình/giây (bình thường là 24 hình/giây). Quả thực, cảm nhận rất khác. Những hình ảnh chạy mượt mà hơn, đỡ nhức mắt, và do đó tạo cảm giác…. thực và sống động hơn rất nhiều. Chất lượng âm thanh cũng hoàn hảo, như nhấn nhá vào cảm xúc theo những cung bậc cảm xúc.

Vẻ đẹp cuộc sống

Người ta bảo đây là một bộ phim về cuộc phiêu lưu với những cảnh hoành tráng dữ dội, nhưng thật ra với tôi điều ấn tượng nhất lại chính là sự bình yên giữa đại ngàn bát ngát mênh mông của cuộc sống. Những cuộc giao chiến tầm cỡ, những ngọn núi hùng vị, những loài quái vật, những bóng ma, hồn quỷ… lại không ấn tượng bằng hình ảnh những cánh đồng bát ngát, những thảo nguyên xanh bất tận và những mái nhà thật bình yên. Không gian 3D như tái hiện những ảnh ấy thực hơn bao giờ hết, cái công nghệ 48 hình/giây cũng nhờ đó mà phát huy tác dụng. Với 1 bộ phim 3D thì những cảnh này mới tạo nên được sự khác biệt cho bộ phim, bởi nếu bạn muốn những cảnh đánh đấm hoành tráng thì Sự phẫn nộ của các vị thần, Biệt đội siêu anh hùng… hẳn sẽ tạo ấn tượng hơn rất nhiều lần ấy chứ. Và hẳn nhiên nó cũng không phài là 1 thế giới ảo như Avatar hay thế giới ngỡ như cổ tích trong Life of Pi. Đơn giản, nó ấn tượng bởi vì nó là cuộc sống thật. Những hình ảnh cuộc sống được tái hiện trước mắt, không khỏi khiến bạn phải thốt lên xuýt xoa “Đẹp quá” mà sẽ quên béng những thứ gọi là ma quái, quái vật gớm ghiếc sau đó.

Sự trở về và hành trình yêu thương

Thử nữa theo mình mình không nghĩ đây là cuộc hành trình vô định, bởi thực chất nó là cuộc trở về… nhà của những người lùn – họ trở về đòi lại mảnh đất quê nhà bị con rồng chiếm giữ. Ấn tượng với câu nói của anh chàng Bilbo Baggins khi anh quay trở lại với chuyến hành trình của những người lùn, khi mà họ đã nghĩ anh đã bỏ về. Anh nói anh có nhà dể về và rất muốn về nhà nhưng anh biết những người lùn – họ không có nhà và họ đang tìm về với nhà của họ, do đó anh quay trở lại cùng giúp họ được trở về nhà mình. Đúng. Vậy thực chất đây là chuyến trở về nhà, chuyến hành trình vượt qua sóng gió, khó khăn, vất vả, có chiến đấu, và cũng có niềm tin chỉ vì 1 chữ “NHÀ”. Vậy tại sao lại vô định khi có 1 mục tiêu để tiến đến?

Và có lẽ hình ảnh ấn tượng khắc khoải trong tâm trí khi xem là khoảnh khắc gặp gỡ giữa Gollum và Bilbo Baggins. Ánh mắt của Gollum, giọng nói của Gollum, sự phẫn uất và cả chút ma mãnh của Gollum luôn để lại từng nét từng nét ấn tượng khó tả. Hình ảnh Gollum phẫn uất và gào thét khi bị mất chiếc nhẫn sao thấy giống với con người chúng ta quá đỗi, nó chân thực đến rùng rợn mà bất cứ ai khi xem cũng sẽ thấy mình trong đó: sự phẫn uất, bất lực và tự trách, giày vò bản thân khi đánh mất điều mình cho là quý giá.

Khi Bilbo Baggins rút kiếm ra định kết thúc số mệnh của Gollum thì anh lưỡng lự. Khi đưa cho anh thanh kiếm lão phù thủy Gandalf đã nói với anh đại ý là: người anh hùng không phải là đã giết được bao nhiêu người mà là có thể tha cho bao kẻ dưới lưỡi gươm của mình. Những chần chờ, những cân nhắc và cuối cùng anh chàng Hobbit đã rút lại lưỡi gươm khi đã đặt lên cổ Gollum. Đó là lòng vị tha trắc ẩn của vị anh hùng. Đó là loạt cảnh gây xúc động mạnh nhất trong suốt bộ phim.

Những tình tiết phim chậm rãi, không có quá nhiều những bất ngờ, những rùng rợn khiến người xem giật mình và nhất là bộ phim kéo quá dài: 150 phút, có thể sẽ có vài tiếng xì xào khi nói rằng bộ phim dài quá, lê thê quá, nhưng dường như không ai đúng dậy. Độ dài, độ lê thê đó vẫn đủ khả năng níu chân người xem đến phút cuối cùng, đó cũng là 1 thành công.

Trần Lâm

ảnh: internet

Trần Lâm

Bài đã viết 187 .

Người chia sẻ tại Nghề Viết. Tư vấn chiến lược phát triển và xây dựng nội dung - Dịch vụ viết sách - Tư vấn xuất bản - Hợp tác phát hành sách. Vui lòng liên hệ: Email: ladintran@gmail.com - ĐT: 0903746399

Loading Facebook Comments ...

Trả lời

Vui lòng gõ bình luận
Vui lòng điền tên bạn ở đây

* Copy this password:

* Type or paste password here: