Life of Pi: Con trẻ, sự đấu tranh sinh tồn và cuộc phiêu lưu kì thú

0

Có lẽ đó là tất cả những điều tôi có thể cảm nhận được khi xem qua bộ phim “Life of Pi” (Cuộc đời của Pi). Con trẻ thường nhìn mọi vật bằng ánh mắt của tình bằng hữu, và chuyện chú bé Pi từ nhỏ đã tin vào một sợi dây tình cảm nào đó trong mối tương quan giữa người và vật – trong đó con hổ Richard Parker chính là điển hình.

Ai hồi nhỏ mà chẳng tin vào những câu chuyện cổ tích, tin vào một sự cảm hóa nào đó. Chú bé Pi không nằm ngoài quy luật. Lúc xem đến cảnh Pi cầm miếng thịt tươi trong tay đưa về phía con hổ, ánh mắt con hổ đầy hiền từ và thân thiện. Tôi cũng đã 1 phen nhầm lẫn, tôi nghĩ rằng có lẽ chú bé ấy sẽ cảm hóa con hổ này? Nhưng đúng là nhầm lẫn. Một con hổ chuyên săn thịt tươi thì không thể làm ngơ khi con mồi ngay trước mắt. Hành động nhảy xổ vào vồ con dê trong chớp mắt đã thức tỉnh chính cả người lớn về những thứ tưởng chừng như được cảm hóa. Nhưng sự thực vẫn là sự thực, và con người phải học cách sống chung với điều đó. Đó mới là điều khôn ngoan. Và ngay tức khắc, Pi đã được thực nghiệm điều đó khi một mình lênh đênh trên biển cùng với “đối thủ”. Đến lúc này mới chính thức là cuộc đấu tranh sinh tồn và để cảm hóa.

Hình ảnh Pi dần dần chinh phục con hổ như khiến người xem đoán ra mô típ quen thuộc: con hổ sẽ thuần hóa và trở thành bạn như bao chuyện cổ tích khác. Nhưng không, đó vẫn là cuộc sống. Qua cơn hoạn nạn, khi biết chắc được sống, lúc lên được bờ, bằng những bước loạng choạng con hổ đã bước đi thẳng vào rừng mà không ngoái lại nhìn người bạn cùng nó vượt qua bao khốn khổ để sống. Cổ tích và hiện thực xen lẫn, sự cảm hóa và vô cảm đan xen tạo nên mạch cảm xúc chính cho bộ phim. Con hổ không ngoái đầu lại biết đâu đó lại là ý hay, bởi nếu nó ngoái đầu lại, ánh mắt “loài săn mồi” của nó trỗi dậy thì “miếng ăn” kia liệu nó có tha không? Tôi cũng đã hỏi điều ấy, khi Pi kể lại và day dứt về chuyện chú hổ bỏ đi một mạch. Những chuyện hư hư thực thực đan xen, khi xem xong có thể bạn sẽ nghi ngờ, sẽ đặt câu hỏi, sẽ tự trả lời bởi như Pi nói: câu chuyện của anh đấy, khi anh kể không phải ai cũng tin, và khi người ta không tin, anh sẽ kể 1 câu chuyện khác hợp lí và gần gũi hơn. Nhưng giữa hai điều đó thì đâu mới là câu chuyện thực? Đây là mấu chốt mạch cảm xúc cho người xem, và đó là điều để lại vương vấn mãi trong lòng người thưởng ngoạn.

ảnh: internet

Trần Lâm

Bài đã viết 187 .

Người chia sẻ tại Nghề Viết. Tư vấn chiến lược phát triển và xây dựng nội dung - Dịch vụ viết sách - Tư vấn xuất bản - Hợp tác phát hành sách. Vui lòng liên hệ: Email: ladintran@gmail.com - ĐT: 0903746399

Loading Facebook Comments ...

Trả lời

Vui lòng gõ bình luận
Vui lòng điền tên bạn ở đây

* Copy this password:

* Type or paste password here: