Thầy tôi – một đời tận tụy với nghề

0

Tôi gặp thầy khi còn là sinh viên năm 3 qua sự giới thiệu của một người bạn. Lúc đó có lẽ cũng là do đam mê với những con chữ thư pháp bay bướm và nét hoài cổ của chữ Hán mà tôi muốn đi học. Thế là cứ đến chiều chủ nhật hàng tuần tôi lại bắt xe buýt từ Thủ Đức lên thành phố vào quận 5 học trong hội quán.

Năm ấy có lẽ thầy cũng đã hơn 70 nhưng dáng người còn khỏe lắm, những hôm đến sớm vẫn gặp thầy đạp xe đạp đến lớp dạy. Thật ra đây chỉ là một môn học phụ không quan trọng lắm với tôi, nó thuộc về sở thích và đam mê hơn là những yêu cầu của truờng lớp. Lúc đó tôi nghĩ, với thâm niên nghề nghiệp như này, và với danh tiếng không chỉ ở thành phố Hồ Chí Minh mà còn cả trong giới nghệ thuật Việt Nam chắc hẳn cuộc sống của thầy cũng đủ thanh nhàn, đi dạy học ở đây chẳng qua cho vui tuổi già. Những suy nghĩ ấy chấm dứt chỉ khi tôi lần đầu tiên bước vào nhà thầy.

Thầy vốn gốc là người Quảng Đông, Trung Quốc nhưng sinh ra và lớn lên ở Chợ Lớn, Việt Nam. Đam mê nghệ thuật và bộc lộ năng khiếu từ nhỏ thầy đã chọn con đường nghệ thuật làm nghề. Tiếp xúc với thầy càng nhiều càng được nghe thầy kể những câu chuyện từ năm nảo năm nào của cuộc đời thầy. Thầy bảo, lúc nhỏ mê vẽ quá nên thường lén xem trộm ông thầy dạy vẽ gần đấy, một hôm đang đứng thập thò xem thì con ông thầy vẽ kia lấy xô nước từ trên lầu dội xuống làm ướt hết cả người. Hay khi lớn lên đã có cái nhìn tổng quan về thủy mặc, thư pháp thì thầy lại lặn lội xin vào học vẽ sơn dầu ở một tiệm quảng cáo. Người chủ thấy thầy học nhanh quá chẳng mấy chốc đã học hết những bí kíp nghề nghiệp cũng vui vẻ giao cho thầy lo luôn mọi chuyện trong tiệm, nhưng khổ thay người chủ lại mê rượu chè nên chẳng bao lâu thì mất. Thầy lại bắt đầu cuộc mưu sinh và bôn ba mới.

Đi đến đâu cũng học, mà đa phần là học lỏm nên về họa lĩnh vực nào thầy cũng biết, từ thủy mặc, sơn dầu, chì, lụa đến bột than, màu nước… Thầy bảo, học cái gì cũng vậy, nên biết thật nhiều nhưng học cái gì phải ra cái đó, phải biết kiên trì thu nhặt từng chút một không nên bỏ dở giữa chừng để rồi không được thành tựu gì cả. Những lúc rảnh rỗi buổi tối tôi lại đến nói chuyện với thầy, nghe những lời khuyên của thầy về nghề nghiệp, về cái lễ của con người sống với nhau hay cả chuyện tình yêu thầy cũng rất tỏ tường. Thế là trong câu chuyện của thầy, nhiều khi lặp đi lặp lại một học trò nào đó dù học thầy đã chục năm nhưng mỗi lần đi đâu công tác về đều ghé qua chào hỏi hay cô học trò nào đó học xong được mấy món nghề đã đi không trở lại, dù thầy biết người ấy vẫn ở rất gần.

Dường như cuộc đời thầy chỉ sống vì nghệ thuật, thầy đã dành cả cuộc đời để sáng tác và dạy hội họa – thư pháp. Nhưng mấy ai biết rằng người họa sĩ tài ba có những bức họa nổi tiếng tô điểm trong hầu hết những ngôi chùa ở quận 5 nói riêng và thành phố Hồ Chí Minh nói chung lại đang sống một mình trong căn phòng trọ nhỏ. Dù thầy đã 80 tuổi nhưng ngày ngày vẫn mở lớp dạy vẽ và thư pháp tại nhà. Căn phòng có lẽ chưa đầy 20 mét vuông thì quá nửa là không gian dùng để đặt 2 chiếc bàn lớn cho học trò ngồi và xung quanh là những giấy, những màu, những khung tranh, làm căn phòng nghỉ ngơi của thầy chỉ còn thu hẹp kê đủ chiếc giường. Học trò đến học có hôm không có chổ ngồi phải chia ra các ngày trong tuần, cuối mỗi tháng học trò nào có tiền đưa bao nhiêu thì đưa, không có thì thầy miễn phí. Đã có biết bao thế hệ học trò của thầy đã được thầy dìu dắt, có nhiều người tuổi cũng đã 60, là giáo sư trong trường đại học danh tiếng ở thành phố nhưng cảm cái nghĩa cái nghiệp của thầy cũng đến xin nhận làm đồ đệ. Thầy vẫn thường bảo: “Ngộ tuổi này vẫn cầm được cọ có lẽ cũng là nhờ cái tâm an tĩnh của nghệ thuật, bây giờ dạy được đến đâu thì dạy, cố gắng dạy lại cho mấy nị những gì ngộ đã tích được trong cả một đời, chứ mai mốt chết đi cũng có mang theo được đâu”.

Nhiều người hỏi thầy, sống tuổi già một mình buồn không, lỡ ốm đau ai lo. Thầy cười cái cười như ông bụt và kể bảo có đứa em bên Quảng Đông, Trung Quốc gọi về quê để phung dưỡng hay có người con gái nuôi bên Hồng Kông nói bảo lãnh thầy sang nhưng thầy đều từ chối. Thầy bảo, sống ở Việt Nam cả đời người rồi, quen với cuộc sống nơi đây giờ đi không được vả lại không muốn nhờ vả ai, một ngày còn cầm được cọ là còn có thể tự nuôi mình và ở đây còn có biết bao nhiêu học trò nên cũng đủ vui. Nhưng cũng có nhiều hôm trái gió trở trời, cơn huyết áp cao chợt đến hay cái cảm lấn vào người, có hôm thầy phải nằm liệt giường không đi đâu được mà cũng không biết nhờ ai. Những lúc ấy lại thấy giá trị của gia đình biết bao. Thầy bảo hãy quý trọng những gì đang có, đừng để nó mất đi, khó tìm lắm. Như cuộc đời thầy, số phận như trêu ngươi, ngày trước lấy vợ được chừng nửa năm thì vợ mất do bệnh hiểm nghèo. Đó là người vợ thầy thương nhất, sau này khi đi bước nữa nhưng không trọn vẹn cuối cùng thầy đã quyết định sống một mình cho đến bây giờ, riêng trong lòng thầy vẫn mang hình ảnh của người vợ đã mất trước kia.

80 tuổi và một đời vì nghệ thuật, thầy đã được nhà nước tặng Huy chương vì sự nghiệp mỹ thuật Việt Nam, cùng những bằng khen, kỉ niệm chương của hội mỹ thuật các cấp, dù chưa thề hiện đủ hết sự đóng góp của thầy nhưng cũng phần nào ghi nhận công lao của một người thầy mang dòng máu Trung Hoa nhưng lấy Việt Nam làm nước mẹ.

Những ngày đi học gần dây thấy thầy cầm bút có vẻ run, học trò hỏi han thầy vẫn cười “Ngộ còn dạy được một hai năm nữa, mấy nị cứ cố gắng đừng bỏ dở”. Vậy là trên căn phòng nhỏ, xung quanh với những hộp màu, khung tranh vẫn có một người thầy đang tận tụy với nghề.

Trần Lâm

Ảnh: 1 tác phẩm của thầy

P/s: đăng lại bài này, 1 bài rất cũ như 1 nén hương tưởng nhớ về thầy, khi sáng nay chợt có người gọi điện hỏi về thầy!

Trần Lâm

Bài đã viết 187 .

Người chia sẻ tại Nghề Viết. Tư vấn chiến lược phát triển và xây dựng nội dung - Dịch vụ viết sách - Tư vấn xuất bản - Hợp tác phát hành sách. Vui lòng liên hệ: Email: ladintran@gmail.com - ĐT: 0903746399

Loading Facebook Comments ...

Trả lời

Vui lòng gõ bình luận
Vui lòng điền tên bạn ở đây

* Copy this password:

* Type or paste password here: