Ngày xưa có một con bò – cách tạo đột phá cho cuộc sống mỗi người

0

Ai cũng có thể phát triển lên một tầm cao mới nếu “dám” bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân. Rào cản đó không phải đến từ những tác động bên ngoài, mà chính là tư tưởng, nhận thức của mỗi chúng ta.

Camilo Cruz, PhD, là một nhà đào tạo doanh nghiệp, nhà chiến lược cuộc đời, và là một diễn giả nổi tiếng. Ngày xưa có một con bò là tác phẩm mà ông đúc kết được trong thời gian làm diễn giả, như một chiếc chìa khóa để bất kỳ một người nào cũng có thể phát hiện và giết chết con bò hoặc nhiều con bò của chính mình.

ngay xua co mot con bo

Câu chuyện hết sức đơn giản, kể về một gia đình nghèo khó sống chật vật chỉ dựa vào một con bò cung cấp sữa hàng ngày. Dù không nhiều nhặn, nhưng đó như sợi chỉ mong manh giúp họ bám víu vào đó để sống qua ngày. Không thể tưởng tượng được rằng, nếu một ngày sợi chỉ ấy đứt họ sẽ như thế nào? Nhưng rồi đó là sự thật, sau đêm định mệnh gia đình nghèo khó ấy cho hai thầy trò bộ hành nghỉ nhờ qua đêm. Con bò bị giết ngay tức thì trong buổi sáng hôm sau. Chắc hẳn, không chỉ có anh học trò mà nhiều người sẽ nghĩ rằng đó là sự tàn nhẫn, vô ơn khi ra tay sát hại “cứu cánh” cuộc sống của cả một gia đình. Rồi một năm sau trở lại, cũng chính nơi đó, hình ảnh gia đình nghèo khó dường như đã biến mất, thay vào đó là một ngôi nhà nhỏ với những con người sạch sẽ, no đủ và hạnh phúc.

Đó chính là điều kỳ diệu và bởi vì ai cũng có những con bò của mình. “Con bò mà họ yêu quý như báu vật chính là sợi dây xích trói buộc cuộc đời họ với đói nghèo khổ cực. Chỉ khi mất đi sự an toàn giả tạo đó thì họ mới nhìn sang hướng mới”.

Cuộc sống nào cũng vậy, dù bận rộn hay nhàn rỗi, trong đời sống cá nhân, gia đình hay trong công việc hàng ngày… bất cứ nơi đâu cũng có “sợi dây xích” của sự hài lòng giả tạo, biện bạch, tự mãn, sợ hãi và những hạn hẹp vốn có. Chắc hẳn bạn sẽ nghe những điều này quen quen đâu đó: tôi không thích công việc này nhưng ít ra nó cho tôi thu nhập sống tạm ổn, hơn biết bao người đang thất nghiệp ngoài kia; sao số phận tôi không được giàu có, hẳn là do cha mẹ tôi chẳng cho tôi gì cả; tôi sống thế này là ổn rồi ‘ngẩng lên thì chẳng bằng ai, nhưng nhìn xuống thì cũng chẳng ai bằng mình’…

Tất cả những điều đó, dú ít hay nhiều đều đang hiện diện trong mỗi chúng ta. Điều quan trọng là bạn phải nhận thức được điều đó để có hành động tiếp theo. Và dĩ nhiên, để hành động bạn đạt được hiệu quả, đi đúng đường thì bạn phải luôn hướng đến mục tiêu và mơ ước thật sự của mình. Vạch rõ mục tiêu bạn muốn và cách thức để chinh phục nó, nếu không thể đi thật nhanh, hãy làm từng bước, hoàn thành mục tiêu từ nhỏ đến lớn. Đừng để đến khi gần kết thúc cuộc đời mới nhận ra và nói lời hối tiếc.

Quyển sách ‘Ngày xưa có một con bò’ tương đối mỏng, chỉ trên 100 trang, với lối hành văn cuốn hút chắc hẳn sẽ khiến bạn đọc một mạch từ đầu đến cuối. Nhưng tin chắc rằng, khi đọc xong bạn lại lần giở lại để có những đoạn phải rùng mình vì nó giống mình quá, giúp bạn “cảm ngộ” những điều tưởng chừng là “cố hữu tất yếu” đang hiện diện trong bản thân mình mà không nhận ra.

‘Ngày xưa có một con bò’ không chỉ phù hợp với những người thích hành động mà còn là “bí kíp” với cả những người “bảo thủ” luôn giữ khư khư những suy nghĩ cá nhân của mình và lúc nào cũng cho rằng nó đúng. Câu chuyện ngụ ngôn thì ngắn, nhưng bài học rút ra lại được trải dài, không chỉ trong quyển sách nhỏ này mà trong chính cuộc đời mỗi người sẽ chính là tác giả để viết tiếp nên những bài học mới, dài bất tận. Ở đó có những trải nghiệm, thất bại, đắng cay, ngọt bùi… hãy sẵn sàng chấp nhận để tìm kiếm thành công.

Cuộc sống cũng như một trò chơi, bạn có thể là người chơi hoặc chỉ là khán giả. Tất cả ở sự lựa chọn của bạn. Bạn đã sẵn sàng để loại bỏ những con bò đang tồn tại trong tâm hồn, tinh thần và ý chí của bạn chưa?

Bài: Trần Lâm

Ảnh: Sachdenroi

Trần Lâm

Bài đã viết 187 .

Người chia sẻ tại Nghề Viết. Tư vấn chiến lược phát triển và xây dựng nội dung - Dịch vụ viết sách - Tư vấn xuất bản - Hợp tác phát hành sách. Vui lòng liên hệ: Email: ladintran@gmail.com - ĐT: 0903746399

Loading Facebook Comments ...

Trả lời

Vui lòng gõ bình luận
Vui lòng điền tên bạn ở đây

* Copy this password:

* Type or paste password here: