Chọn nơi làm việc, các bạn trẻ có nên chọn start-up?

0

với sự “bùng nổ” của start-up như hiện nay, đi đâu cũng nghe từ start-up mà nhiều khi muốn nhũn não. Dự án nhỏ, dự án to, ngay cả đa cấp cũng là start-up hết, rất “mắc mợt”. Tuy nhiên, như tiêu đề bài viết, hôm nay chúng ta thử lạm bàn xem, được – mất gì khi chọn làm việc trong start-up.

Thật ra, để xác định start-up cũng có năm bảy đường đời chợ búa, mà cũng vì vậy nên có nhiều công ty gọi là start-up nhưng nhìn phát hết hồn liền à. Mà bỏ qua chuyện đó đi. Chắc mọi người đều biết “sờ-lô-gân” của Vingoup? Đó là “ Mãi mãi tinh thần khởi nghiệp”. Bởi vậy, có thể thấy, cái đầu tiên khi làm trong các công ty khởi nghiệp, điều bạn được chính là học được tinh thần làm việc, tham gia vào một nhóm hăng say làm việc, làm quên trời quên đất, làm quên cả việc mình ế chỏng gọng hay không. Mình rất thích những công ty tập hợp được những người trẻ và đam mê như vậy. Trong môi trường đó, bạn sẽ được “vắt kiệt” sức đánh mọi dự án và dù dự án nào cũng rụng lộp bộp nhưng vẫn vui. Đó là điều tuyệt vời.

Thứ 2, bạn được thỏa sức với trí tưởng tượng hay sáng tạo của mình. Không có một giới hạn nào, bạn tha hồ thể hiện, bởi đây là lúc bạn đang tìm lẽ sống, tìm và thử nghiệm con đường nghề nghiệp của bản thân.

Thứ 3, bạn có thể có cơ hội tham gia vào mọi “mặt trận”, tiếp cận rất nhiều công việc khác nhau. Bạn không phải lăn tăn là mình làm copywriter là chỉ cắm mặt vào công việc đó, bạn được cơ hội để học hỏi, thử sức với cả các việc khác như thiết kế, bán hàng, chăm sóc khách hàng, học cách chém gió như sếp…. và đủ thứ linh tinh khác. Sau này bạn sẽ thấy, cái việc biết đủ thứ hầm bà lằng nhiều khi rất có tác dụng trong quá trình phát triển sự nghiệp của bạn. Đó là cái thú.

Thứ 4, bạn sẽ nằm trong 1 tổ chim trước khi nó trở thành tổ chức, nên bạn sẽ có thể hiểu rõ mọi chân tơ kẽ tóc, quy trình cũng như cách thức nó “bạo động” trước khi được gọi là hoạt động. Quá tốt, và bạn sẽ nghĩ mình cũng sẽ ra làm… một cái được. Thế là có một “sờ-ta-úp” tiếp, chiến thôi.

Start-up cũng có 5-7 đường, mười dạng, nên cũng cần chọn nơi gửi vàng cẩn trọng!

Thứ 5, có thể bạn sẽ cày vợ mặt, phai tàn cả dung nhan, tham gia nhóm làm tăng số lượng FA lên một cách chóng mặt nhưng tiền thì chẳng thấy đâu. Dù có vò đầu bứt tai đến hói đầu mà khi mò vào túi vẫn thấy rỗng tuếch. Chuyện hơi hài, nhưng tại sao lại là cái lợi? Bạn phải hiểu rằng, như đã nói, có rất nhiều dạng start-up, với những công ty gọi là khởi nghiệp nhưng có vốn đầu tư mạnh, họ muốn đi nhanh, đánh nhanh nên sẽ tuyển những người có chuyên môn cao với mức ưu đãi khủng, nếu bạn đủ tiêu chí thì khỏi bàn, nhưng thật ra phần lớn các bạn sẽ nằm ở mục số 2 của một cái phân mục nhánh chi chít nào đó với cái tên mỹ miều: chúng tôi chỉ có tinh thần, có ý tưởng (mà chả biết có thật không) tương lai (câu hỏi to tướng mà nhiều khi mấy anh “phao-đờ” cũng chả thấy gì) nằm ở chính bạn, nên đừng hỏi chúng tôi về mức lương. Bạn sẽ bớt ảo tưởng vào việc ra trường phải có mức lương khủng khiếp dữ dội lắm, để sau này khi trai nghiệm bạn sẽ dễ đánh giá được giá trị sức lao động của bạn. Chứ nhiều khi ra trường làm công việc nhận được mức lương cao chót vót, sau đó công ty phá sản, ra đường tìm việc mòn mắt không nơi nào nhận, chỉ vì đưa ra mức lương “chỉ bằng công ty cũ”, trong khi giá trị thực lại không được như thế. Nhiều bạn bè mình đã rơi vao trường hợp đó, nên biết. Nghĩ cũng tội, mà thôi cũng… đành lấy chúng ra làm ví dụ mua vui vậy.

Còn cái thứ 6, thứ 7, chủ nhật… à thứ 8, thì các bạn có thể bổ sung tùy theo trải nghiệm từng người.

lợi thì có lợi, nhưng răng… không còn

Theo mình nghĩ thì các bạn trẻ nếu tính từ khi ra trường thì có tầm 2-3 năm thể thỏa sức trải nghiệm và học hỏi. Nghĩa là làm gì cũng được, chả quan tâm, tha hồ thử nghiệm với ban thân trong mọi môi trường, mọi công việc trước khi tìm ra một “chân lý” to đùng để theo đuổi (có những người mất 5-7 năm mới tìm được, có người chắc mất cả đời chẳng tìm ra). Chính vì vậy, hãy theo tôn chỉ học hỏi và trải nghiệm. Công việc bèo nhèo, lương lèo tèo cũng được nhưng hãy chọn cho mình một người sếp giỏi, sếp không giỏi thì đồng nghiệp giỏi, đồng nghiệp không giỏi thì tìm khách hàng giỏi, khách hàng không giỏi thì tìm bất kỳ ai giỏi để học. Không có người giỏi thì hơi tội, đào đâu ra, thôi, tìm người bớt dốt học cũng được. Tức là bạn phải có một người nào đó để bạn học hỏi, chỉ đường, người đó phải có chuyên môn đủ dạy được bạn. Dĩ nhiên, chả phải start-up nào mở ra cũng đều của người giỏi. Bạn cứ thử sẽ biết, vì bạn như con nai tơ ngơ ngác mà hỏi gặp phải sếp ất ơ thì cả đám sẽ cùng cù ngơ. Chuyên môn không, kiến thức ngành không, am hiểu thị trường không, định hướng không. Vậy bạn tìm điều gì ở những nơi đó? Tìm một chân giết chết tuổi thanh xuân à? À, mà sếp có đạo đức, em học được điều đó. À, nó đúng, nhưng bỏ đi, đạo đức là ở chính con người bạn trước nay rồi, mọi tác động bên ngoài chỉ là bổ trợ, theo thời gian trải nghiệm bạn sẽ càng tiếp xúc nhiều sẽ học học (hoặc học lỏi) được thôi, nên đừng lấy đó làm kim chỉ nam.

Định hướng, định hướng. Thật ra điều này nó chỉ quan trọng chút chút. Vì sau thời gian say máu anh hùng, bạn cũng cần định hướng cuộc đời mình, nếu chuyện đó xa quá thì ít ra cũng là định hướng trong công việc. Mà nếu khó quá, có thể bỏ qua.

Tiềm lực kinh tế. Có 2 dạng cơ bản: 1 công ty trực tiếp tạo ra thu nhập hàng ngày, và 2 công ty đầu tư để thu về trong tương lai. Nếu bạn làm trong công ty thứ 2 thì sẽ bớt phần lo lắng vì tất cả hãy để “tương lai” lo, hãy an tâm làm việc để các sếp gọi vốn, cũng đừng quá bất ngờ nếu đang làm việc chưa hết giờ đã nhận được email giải thể công ty. Chuyện này thường thôi, đầy, nên chả cần chuẩn bị tâm lý làm gì.

Điều cuối cùng, một số các công ty khởi nghiệp thu hút nhân viên về làm việc bằng những cái tên “vị trí công việc” rất hoành: lít-đờ này, mà-nà-gờ này, đi-zét-tờ này… Bạn chả có chút kinh nghiệm gì, còn chả biết làm việc thế nào, mà đã được các vai to thế. Sướng. Oách. Cầm cái me-nu-cạc ra ai cũng trầm trồ, chỉ có điều ngồi xuống bắt tay vào việc thì hỏi từ sếp to sếp nhỏ, đồng nghiệp cũng toàn sếp thì ai cũng như ai, len lén vờ như không nghe. Các bạn sẽ bị đưa vào ma trận của việc ATSM cực lớn mà các bạn không hề biết được lộ trình phát triển tương lai (như phần định hướng bên trên). Công ty chẳng thiệt, nhưng cái kết bất ngờ đầy quả đắng là dành cho bạn sau này. Mình gặp rất nhiều trường hợp này, trong quá trình phỏng vấn, trong quá trình nghe các bạn zì-zen tài trợ, cơ mà hỏi đến đâu ngậm tăm đến đó, bảo về hỏi sếp rồi trả lời cũng được, có trường hợp bặt vô âm tín, có trường hợp nghe sếp bạn trả lời xong nhiều khi chỉ muốn ăn chén tàu hũ. Nhưng nghĩ lại, thấy tội các bạn đã chọn nhầm chốn trao thân.

Chém gió tí vào một buổi sớm mai dậy mà nhà mất wifi.

P/s: Đây chỉ là lời của 1 kẻ chục năm đi xách dép làm nhân viên, thất nghiệp như cơm bữa.  

Bài và ảnh: Trần Lâm

Trần Lâm

Bài đã viết 187 .

Người chia sẻ tại Nghề Viết. Tư vấn chiến lược phát triển và xây dựng nội dung - Dịch vụ viết sách - Tư vấn xuất bản - Hợp tác phát hành sách. Vui lòng liên hệ: Email: ladintran@gmail.com - ĐT: 0903746399

Loading Facebook Comments ...

Trả lời

Vui lòng gõ bình luận
Vui lòng điền tên bạn ở đây

* Copy this password:

* Type or paste password here: