Xây dựng nội dung – cần có sự khác biệt

0

Nếu như ở bài “Nội dung là Vua, nhưng làm sao để được làm Vua”, tôi đã xác định một số vấn đề mang tính chất cơ bản trong việc xây dựng nội dung thì ở bài này sẽ được chi tiết hóa hơn, gần gũi và tăng tính “cọ xát” nhau hơn.

Xây dựng nội dung cũng chính là cách để bạn tiếp thị nội dung, do đó dù ít dù nhiều, dù hiểu hay không, dù không có chiến lược hoành tráng thì bạn cũng phải có kế hoạch rõ ràng.

Bạn luôn biết rằng, dù là bạn đang xây dựng nội dung cho website hay xây dựng nội dung cho fanpage, những bài PR, thậm chí chỉ là nội dung đơn giản ngắn gọn trên những tờ rơi, những tấm quảng cáo, forum seeding… cũng vậy, điều bạn làm trước tiên là tìm sự khác biệt của chính bạn so với thế giới ngoài kia. Có thể bạn không cần phải bứt râu bứt tóc để trả lời câu hỏi “Tôi xuống trái đất làm gì?”, hay khổ sở vò đầu chau mày tìm hiểu “Vì sao tôi tôi xuống trái đất?”, mà vấn đề cơ bản của bạn chính là “Tôi đang ở trái đất, và làm sao để mọi người biết đến tôi, giữa một rừng người cũng vừa hạ cánh kia?”

Trong thế giới số, những kẻ ra đời trước thường có nhiều lợi thế khi họ có thời gian để “làm quen” với nhiều người trước đó, tuy nhiên điều đó không phải là “bất khả chiến bại”. Giữa một hằng hà sa số những nhãn hàng, những sản phẩm, những thương hiệu, những tên tuổi lâu đời hoặc “mau đời”, những đối thủ luôn rình rập đợi bạn xuất hiện hoặc chỉ cần cất lời đã bị đè xuống cống.

Không sao, vậy thì bạn đừng bám theo họ, hãy mở một con đường khác, có thể nhỏ hơn nhưng làm cho nội dung của bạn thú vị với những loài hoa thơm cỏ lạ, thì thế nào mà ong bướm chẳng la cà.

1. Bạn có gì mới?

Sản phẩm của bạn có gì mới so với các đối thủ cạnh tranh? Sản phẩm bạn chất lượng hơn, ngon hơn, không hại cho sức khỏe, to hơn, đẹp hơn, dịch vụ bạn tốt hơn, chuyên nghiệp hơn hay thậm chí chỉ là… 2 cánh cửa toilet của bạn cho nam – nữ “độc lạ” hơn. Nói như vậy để thấy rằng, nếu bạn không có gì to tát để so sánh với đối thủ, thì đừng bao giờ so sánh, mà hãy đi tìm điểm mới lạ mà sản phẩm hay dịch vụ của bạn mang tới – dù là nhỏ nhất.

2. “Hậu kỳ” hấp dẫn?

“Hậu kỳ” chính là câu chuyện của bạn. Bạn có câu chuyện, có chia sẻ, có khó khăn, có thuận lợi, có cơ duyên hay có “hoài bão” nào khi giới thiệu đến mọi người sản phẩm của bạn không? Đó có thể cũng chính là câu chuyện doanh nghiệp hay lập nghiệp của bạn mà rất nhiều người khác quan tâm, kể cả đối thủ. Và nếu có, phần của bạn là hãy kể nó thật hấp dẫn, có chi tiết, tình tiết, trường đoạn, gay cấn, xung đột và phải biết “bung” ra đúng lúc.

3. Người kể chuyện tài ba?

Thật sự sản phẩm của bạn chẳng có gì mới, cũng chẳng có câu chuyện “hậu kỳ” nào hay ho, bạn làm chẳng qua là vì thấy người ta cũng làm, “copy – past” thôi. Nếu là vậy thì… cũng không sao, chỉ là giờ đây tùy vào cách bạn truyền thông điệp qua những nội dung tưởng như có sẵn. Hãy thu thập những điều có sẵn mà ai cũng biết để lập kho riêng – một cái kho khổng lồ mà ai cũng muốn vào đó để “đào bới” thông tin. Đó là cách khá đơn giản, vấn đề chỉ là thời gian thu thập và thậm chí là phải dịch từ văn bản nước ngoài. Tuy nhiên, bạn vẫn lười và chỉ muốn dùng vài ba cái có sẵn, biến hóa nó thành cái của mình mà vẫn hấp dẫn, thì buộc bạn phải bắt tay trở thành người kể chuyện. Bạn sẽ dùng lời lẽ, cảm xúc, biểu cảm và trổ hết tài nghệ để biến những cái gạch đầu dòng ai cũng biết thành cái ghi dấu tên bạn. Nó cũng giống như việc, 1 vai diễn, cũng nhiêu đó lời thoại, nhưng có diễn viên hay, có diễn viên dở vậy mà. Nói rõ ra, thì nó gần như là việc bạn thể hiện lại bằng 1 “giọng điệu” khác – rất riêng.

xay-dung-noi-dung-khac-biet-ngheviet.net

4. Làm chuyên gia trong lĩnh vực của mình?

Tại sao không nhỉ, nếu bạn có kiến thức, bạn có ý tưởng thì hãy cứ mạnh dạn “đăng đàn”. Đừng e ngại “đàm tiếu”, bởi vì đây cũng là cơ hội để bạn học hỏi từ bên ngoài. Bạn không nói gì, có thể sẽ không bị cho ăn… chửi, có thể không bị “ném đá”, có thể rất bình yên… nhưng bạn sẽ chẳng học hỏi được điều gì từ những người có kinh nghiệm đi trước, thậm chí là từ chính đối thủ. Đây mới chính là điều thú vị nhất trong quá trình xây dựng nội dung. Bên cạnh đó, nếu có thể, hãy để nhân viên, đồng nghiệp, hay thậm chí là đối thủ có thể cùng “đăng đàn” với nhau. Tất nhiên bạn phải duyệt nội dung và điều chỉnh nó đi đúng hướng mình mong muốn.

5. Để niềm đam mê lên tiếng?

Điều này nói ra có lẽ sẽ rất dễ trùng lặp với điều thứ 4 ở trên, tuy nhiên theo 1 cách nào đó, nếu bạn đam mê với chính lĩnh vực mình đang làm thì không bàn, nhưng vẫn có những câu chuyện ngoài lề về những đam mê khác nữa. Hãy nói về những đam mê ấy, nhưng nhớ kiểm soát, 1 cách an toàn và hiệu quả nhất là làm phép tính sau 5 = 4 + 3 + 2. Nghĩa là hãy nói điều số 5 bằng cách kết hợp điều số 4, 2, 3.

 6. Tạo ra sự kiện?

Quá trình này nó cũng gần giống với việc bạn tạo ra câu chuyện như phần “hậu kỳ”, nếu có khác thì chỉ ở chỗ nó ở thì hiện tại. Hãy đưa những thắc mắc của khách hàng, trao đổi củ nhân viên, những buổi huấn luyện… thành nội dung chính hoặc thường kỳ. Nó không những giúp bạn tạo hình ảnh đẹp mà còn tạo sự gần gũi với khách hàng, người đọc. Điều này rất dễ, tuy nhiên mọi người lại rất “khinh thường” để bỏ qua.

Trên đây chỉ là 5 điều nhỏ, dĩ nhiên là không thể đủ cho hết tất cả mọi trường hợp nhưng hy vọng nó sẽ giúp ích được cho nhiều người trong quá trình tìm kiếm một con đường để xây dựng nội dung hiệu quả.

Trần Lâm


Trần Lâm

Bài đã viết 187 .

Người chia sẻ tại Nghề Viết. Tư vấn chiến lược phát triển và xây dựng nội dung - Dịch vụ viết sách - Tư vấn xuất bản - Hợp tác phát hành sách. Vui lòng liên hệ: Email: ladintran@gmail.com - ĐT: 0903746399

Loading Facebook Comments ...

Trả lời

Vui lòng gõ bình luận
Vui lòng điền tên bạn ở đây

* Copy this password:

* Type or paste password here: