Viết PR và những lầm tưởng

0

Ngày nay với sự phát triển như chong chóng của internet và các phương tiện truyền thông thì bài PR (mà nay thực chất là toàn bài quảng cáo núp dưới danh nghĩa bài PR) chỉ là một phần trong chiến dịch PR mà các nhãn hàng hướng đến, như một cách hỗ trợ lẫn nhau nhằm tang độ nhận biết, đánh bóng tên tuổi.

Bài PR không biết có phải đã trải qua một thời huy hoàng mà tôi đọc trong những quyển sách rằng chỉ cần một bài viết PR cũng có thể làm “thay đổi thế giới”. Có lẽ thời đó đã qua rồi, nhưng lan man quá, tập trung vào chuyên môn vào cái tiêu đề đang định viết thôi.

Không cần kế hoạch cụ thể

Nghe thì ngỡ như đùa, nhưng lại rất dễ bắt gặp: đang dư “cục” ngân sách, biết làm gì đây? Quăng vài bài lên báo đi nhỉ? Duyệt! A, sắp đến ngày lễ kìa, mình làm cú cho rộn ràng nhỉ, mai lên bài ngay nhé, viết gì thì viết, chạy 3 báo nhé! Ôi, đối thủ lên bài rần rần kìa mà mình im lặng à, chiến thôi, mai lên cho anh!

Muôn vàn lý do và sự cắc cớ, sự lỏng lẻo cùng dễ dãi, nhưng nó còn dễ dãi hơn khi người chịu trách nhiệm cho vấn đề này không có một cái bản kế hoạch cụ thể đơn giản như: tuần này – ngày này – lên báo này – đối tượng này – nội dung này – chia thời gian ra viết cho hợp lý… Nếu được làm việc trong môi trường này hoặc trong một agency có vị khách hàng này thì thật dễ chịu nhưng cũng dễ bị “cưỡng hiếp tinh thần lắm”, vì họ thường rất ư “ba chớp ba nhoáng” và khi viết bài ra xong họ nhiều khi họ không đồng ý nhưng cũng chẳng giải thích được lý do vì sao không đồng ý. Đã gặp rồi và hiểu, “cân não” ghê gớm.

Quá tham thông tin

Chính vì “cái sảy nảy cái ung”, không có kế hoạch rõ ràng nên cũng chẳng biết chia giai đoạn PR ra sao và bài viết PR nào cũng như bài nào muốn gom hết “tinh túy” (nhiều lúc tự phong) bắt chèn ép trong một bài. Rồi bài nào cũng phải thế mới ưng, thiếu một cái cũng không chịu. nhưng có một điều tuyệt vời là các copywriter luôn sẵn trong tâm thế ứng phó bị chê tơi tả và giải thích gãy lưỡi.

Không phải họ dở đâu, mà vì họ đóng vai “khách hàng” mà, bỏ tiền ra phải hoạnh họe chút và muốn tận dụng mọi khoảnh khắc cho sản phẩm của mình chứ. Agency sinh ra để được đày ải trong niềm hạnh phúc muốn trào nước mắt.

viet-pr-nhung-lam-tuong-ngheviet.net

Hai “không”

Không đúng thời điểm và không nhắm vào đối tượng khách hàng chính cũng là điều đau đầu của người viết bài PR khi gặp phải những “khách hàng” sừng sỏ thế này. Thật ra, nó sẽ chẳng là gì nếu sản phẩm phẩm của anh nổi trội hơn hẳn, như một cuộc cách mạng toàn cầu thì dù anh ra thời điểm nào nó cũng sẽ dễ “bùng” như lốc, mà đúng thời điểm nữa thì còn gì bằng. Nhưng nếu sản phẩm tèn tèn, chẳng vượt trội một ưu điểm nào nên muốn tham gia thị trường thì cách tính toán chọn thời điểm và giới hạn đối tượng khách hàng cực quan trọng. Ít ra nó tạo ra một lợi thế cạnh tranh trong một phân khúc tuy hẹp nhưng an toàn. Có lúc mình hỏi khách hàng điểm nổi bật của sản phẩm là gì, thì ú ớ bảo đó là việc của copywriter, để vẽ lên một bộ lông như con công vậy đó. Bật ngửa. Thì ra trong mắt nhiều người, dân copywriter hay viết PR là kẻ vẽ bùa.

“Một bài PR thôi em nhé”

“Được thôi anh, nhưng anh phải….”. “Không cần đâu em, mà anh cũng chẳng có”.

Điều này thường rơi vào những doanh nghiệp nhỏ và đều là những người rất ít cập nhật thông tin về thế giới online. Thật ra, nếu đối với PR chính thống và có trong tay một sản phẩm tuyệt vời, ra đúng thời điểm vàng thì chỉ cần một bài viết hay là có thể tạo nên “làn sóng” đủ để các báo khác phải chạy bài theo – đó là hiệu ứng lan truyền viral. Tuy nhiên ngày nay, với sự nhập nhằng giữa PR và quảng cáo, các báo chạy theo một con đường không “chính quy” lắm như ngày trước thì việc chỉ chạy một bài PR với một sản phẩm “không có gì mới” cũng như muối bỏ bể. Điều đó không có nghĩa là phải chạy thật nhiều bài PR trên thật nhiều báo và các kênh truyền thông khác, nhưng như đã nói, cần phải có kế hoạch với những mục tiêu, đối tượng, mục đích rõ ràng thì sẽ hiệu quả hơn. Điều gì cũng phải có “mở bài – than bài – kết luận” cho nó xôm tụ và níu được người theo dõi chứ phải không?

Hãy nói thật theo cách của bạn

Bài viết PR phải THẬT. Bạn có thể dùng bất kì ngôn ngữ, sự khoa trương, hào nhoáng… nào chăng nữa thì khi đi vào bài viết cũng để cho sự thật về sản phẩm của bạn lên tiếng, dù rằng bạn đang muốn chỉ quảng cáo cái tốt của bạn. Do đó hãy chọn những điều tốt đẹp nhất của mình lên trước sau đó xem xét (nếu có) hãy đưa một vài khuyến cáo về sản phẩm nho nhỏ cho người dùng. Đó là sự tương tác mang tính trực quan và tạo niềm tin nơi người dùng. Tuy nhiên điều này không phải nhãn hàng nào cũng muốn (do đó mình thích đọc những bài review trực quan hơn khi mua sắm).  

Những điều trên chắc chắn sẽ là chưa đủ, nhưng cứ tạm thế để dặn lòng trước khi nhận bất kì hợp đồng viết PR nào cũng cần tỉnh cái “quả táo”.

Trần Lâm

Ảnh: internet

Trần Lâm

Bài đã viết 187 .

Người chia sẻ tại Nghề Viết. Tư vấn chiến lược phát triển và xây dựng nội dung - Dịch vụ viết sách - Tư vấn xuất bản - Hợp tác phát hành sách. Vui lòng liên hệ: Email: ladintran@gmail.com - ĐT: 0903746399

Loading Facebook Comments ...

Trả lời

Vui lòng gõ bình luận
Vui lòng điền tên bạn ở đây

* Copy this password:

* Type or paste password here: