Thiên tài và sự giáo dục từ sớm – nên hay không nên?

0

Tun nhà mình đã gần 2 tuổi (còn chưa đầy 1 tháng nữa thôi), nhìn lại 1 chặng đường qua thấy trong giai đoạn đầu mình dành nhiều thời gian cho con hơn. Từ lúc sinh ra, các việc như đưa Tun tắm nắng, ru con đi ngủ, chuẩn bị ca sữa đêm… Rồi Tun lớn lên, 1 tuổi thì mình phải đi kiếm chút cơm và trong thời gian đó mình bị xao nhãng. Mãi đến khi con gần 2 tuổi mình mới giật mình, cảm giác sợi dây liên lạc giữa hai bố con có gì đó lỏng lẻo. Thay đổi công việc, chấn chỉnh đội hình… là những việc làm đầu tiên của mình để mong tìm lại được sợi dây ấy.

Như đã nói, mình đang thay đổi, gần đây mình quay lại quá trình đọc sách, chỉ có điều đang tập trung vào các sách làm cha mẹ, sách thiếu nhi, nuôi dạy con.

Một buổi tối thứ 7, mình “ngấu” tới 3 quyển sách về làm cha mẹ, trong đó có 1 quyển có vẻ hết sức ngẫu nhiên – nghĩa là nó đã có trong nhà khá lâu nhưng mình không quan tâm – “Thiên tài và sự giáo dục từ sớm”. Đọc quyển sách này, nếu nói 1 cách khách quan, và thậm chí với nhiều người sẽ có ngay cảm giác “Sao dẫn chứng toàn là thiện tài có số má không vậy? Mà cơ bản những thiên tài ấy đều được sinh ra trong những gia đình có học thức cao, cha mẹ toàn giáo sư tiến sĩ mà lại…”.

Tuy nhiên, càng đọc càng thấy có những điểm thuyết phục. Đó là khi họ nói về quá trình giáo dục sớm cho trẻ ngay từ khi mới sinh ra, à không, có thể ap dụng ngay từ khi còn trong bụng mẹ. Mình tin điều đó, bởi mình đã từng là người kiểm chứng chuyện đó. Ngay từ khi Tun còn trong bụng mẹ, mình đã kể chuyện, đọc thơ cho con nghe và mỗi lần như thế biểu hiện của con đều rất khác. Có lần, mình đi về trễ, đêm không ai đọc truyện cho nghe, Tun đã đứng và đạp vẫy vùng trong bụng mẹ cho đến khi mình về dỗ dành mới chịu đi ngủ, khi đó khoảng 1h sáng.

Mình nghĩ rằng, việc trẻ nhỏ vẫn tiếp thu theo cách riêng, đặc biệt nào đó.

Mình đọc các sách làm cha mẹ không nhiều, nhưng đa dạng, kiểu nào cũng đọc. Nhiều người bảo là nên duy trì và áp dụng theo 1 cách thôi, đừng làm mình rối bằng cách áp dụng quá nhiều cách. Mình thì nghĩ khác, bởi bạn không thể biết con bạn phù hợp với phương pháp nào, việc đọc nhiều, học hỏi nhiều và sau đó áp dụng cho con những điều khả dĩ nhất là tốt. Bởi, không phải cách thức nào bạn cũng áp dụng 1 cách tuyệt đối. Vì vậy, vai trò của cha mẹ cực quan trọng trong việc đọc và chắt lọc.

Chắc nhiều năm trước, nhiều ông bố bà mẹ như phát cuồng với quyển “Em phải đến Harvard học kinh tế”. Nhưng khi đọc quyển đó, có lẽ ít người đọc lời giới thiệu. Trong đó có đoạn nói về việc mẹ cô bé Lưu Diệc Đình đã vô tình bắt gặp được 1 quyển sách dạy con kiểu Nhật và sau đó áp dụng cho cô. Đó chính là quyển sách mình vừa nhắc đến “Thiên tài và sự giáo dục từ sớm”.

Thien tai va su giao duc tu somNhư mình đã nói, quyển sách này nếu đọc sẽ cảm giác như 1 mớ lý thuyết, dẫn chứng còn khá sơ sài. Nhưng nếu đọc và nghĩ thì nó lại khác. Đừng cố tìm 1 quyển sách mà nó có thể hướng dẫn bạn bước 1, bước 2, bước 3… thật cụ thể. Chẳng có đâu. Và thật sự, mình công nhận, nếu đang cần tìm 1 quyển sách, có thể là đầu tiên về việc giáo dục sớm cho con thì quyển sách này khó có thể bỏ qua. Bởi tính “lý thuyết” của nó sẽ giúp bạn hiểu thế nào và tác dụng của cái gọi là “Giáo dục sớm” cái đã, trước khi muốn áp dụng phương thức này, cách thức nọ.

Thật ra, chẳng mong con trở thành thiên tài này hay thiên tài nọ, chỉ cần nó phát triển mạnh giỏi, có chút tri thức, sống lương thiện là được. Nhiều người vẫn thường nghĩ trẻ còn nhỏ cứ cho nó thoải mái, sống thật tự nhiên, đừng gò bó hay học hành gì nhiều. Hẳn nhiên là đúng về tư tưởng, nhưng liệu cách thức mà các bố mẹ đó thực hiện đã đúng chưa? Và dĩ nhiên, nếu phát hiện ra năng khiếu hoặc biết cách nuôi dưỡng năng khiếu cho con ngay từ nhỏ thì hẳn càng tuyệt hơn sao? Đứa trẻ nào rồi cũng lớn lên, không ai biết chúng nó được thừa hưởng hay nằm trong số những đứa trẻ đặc biệt hay không, duy chỉ có thứ chúng ta biết rõ: chúng cũng chỉ có 1 giai đoạn nhất định để đánh thức những tiềm năng ấy. Vậy thì sao không thử, mà để nó trôi qua một cách “đáng tội” đến vậy.

Mình vẫn còn nhớ 1 số chuyện thế này: khi lớn lên mình vẫn nhớ rõ mồn một những chuyện khi mình 3 tuổi. Ngồi kể ra nhiều người còn giật mình. Hay ai còn nhớ, trong quá trình đi học, có những giai đoạn bạn học giỏi cực độ, cực sáng dạ mà không rõ nó đến từ đâu… Chính những điều như thế làm mình tin vào quá trình giáo dục sớm. 
Đơn giản vậy thôi. Mươn 1 câu trích dẫn thế này:

“Một người trở thành thiên tài hay không hoàn toàn là do yếu tố di truyền” – quan niệm đó dường như đã trở thành “tín ngưỡng” chung từ xưa. Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy không phải yếu tố di truyền, mà chính môi trường sống và sự giáo dục mới là yếu tố quyết định. Và sự giáo dục từ sớm là minh chứng cho lập luận này. “

Trần Lâm/Bloglamcha

Trần Lâm

Bài đã viết 187 .

Người chia sẻ tại Nghề Viết. Tư vấn chiến lược phát triển và xây dựng nội dung - Dịch vụ viết sách - Tư vấn xuất bản - Hợp tác phát hành sách. Vui lòng liên hệ: Email: ladintran@gmail.com - ĐT: 0903746399

Loading Facebook Comments ...

Trả lời

Vui lòng gõ bình luận
Vui lòng điền tên bạn ở đây

* Copy this password:

* Type or paste password here: